NGOẠI GIAO VIỆT NAM VÌ LỢI ÍCH QUỐC GIA – DÂN TỘC, VÌ LỢI ÍCH CỦA NHÂN DÂN
Mới đây, trên trang “Đoithoaionline” Đào Tăng Dực lại giật tít: “Đảng CSVN: Đu dây để xâm lược và đu dây để sống còn” với những luận điệu xuyên tạc trắng trợn đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, cho rằng: “Đảng CSVN chỉ giỏi nhất là đu dây từ xưa cho đến bây giờ”. Thực tiễn Việt Nam hoàn toàn bác bỏ những luận điệu sai trái của y, bởi lẽ:
Một là, ngoại giao Việt Nam góp phần quan trọng trong bảo vệ nền độc lập dân tộc, củng cố môi trường hòa bình cho đất nước.
Trong hai cuộc kháng chiến, ngoại giao Việt Nam đã đóng vai trò tích cực trong kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo thành sức mạnh tổng hợp cho dân tộc ta giành thắng lợi cuối cùng. Ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược và là bộ phận cấu thành quan trọng của đường lối cách mạng, luôn sát cánh cùng mặt trận quân sự và luôn có mặt ở tuyến đầu của công cuộc đấu tranh cách mạng. Ngoại giao đã giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc và tinh thần thiện chí làm cầu nối với nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình, qua đó tập hợp mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Hàng triệu người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới thuộc “thế hệ Việt Nam”, từ những nhà lãnh đạo, chính khách đến người dân, sinh viên, kể cả ở các nước gây chiến đã xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta. Cùng với những thắng lợi quân sự trên chiến trường, ngoại giao cũng đã phát huy trí tuệ, bản lĩnh để ghi những mốc son trong lịch sử dân tộc với các Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 và Hiệp định Pa-ri năm 1973, tạo điều kiện thuận lợi đưa dân tộc ta đi đến chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, ngoại giao Việt Nam tiếp tục phát huy thế mạnh, mở rộng và khai thác mối quan hệ với các đối tác bên ngoài đề xuất những giải pháp thích hợp. Nước ta từ một nước bị bao vây cấm vận, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, là thành viên của hơn 70 tổ chức quốc tế. Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 77, trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với tín nhiệm cao là minh chứng rõ nét về uy tín, vị thế quốc tế.
Hai là, Việt Nam kiên trì, kiên quyết thực hiện đường lối đối ngoại tiến bộ, nhân văn.
Thực hiện hiệu quả phương châm: “Chủ động và tích cự hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”[1], Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Cây tre Việt Nam “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam, đó là: “Mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc. Đối ngoại đã giữ vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Thực hiện tốt ngoại giao cây tre, đề cao hòa hiếu, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tích cực trao đổi, đàm phán với các nước liên quan kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn kiên định mục tiêu chiến lược là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, với giải pháp mang tính chủ động, linh hoạt, khôn khéo nhằm biến các thách thức thành cơ hội, đồng thời tận dụng được các xu hướng hòa bình, hợp tác, đem lại lợi thế cho sự nghiệp phát triển đất nước, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Với đường lối đối ngoại đúng đắn và sáng tạo, Việt Nam đã xử lý hài hòa, hợp lý các mối quan hệ trên nguyên tắc nhất quán, giữ vững độc lập tự chủ và chủ quyền quốc gia, đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc.
Việc Đào Tăng Dực xuyên tạc, phủ nhận đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, chúng ta cần nêu cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr..162
Nhận xét
Đăng nhận xét