Hiểu đúng về “cộng đồng chia sẻ tương lai”

 Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân đã thăm cấp nhà nước đến Việt Nam trong 2 ngày 12 và 13-12-2023. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung, đồng ý thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc bước vào giai đoạn mới với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn, chung tay thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa thế giới phát triển, đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Thành công rực rỡ của chuyến thăm nhận được sự vui mừng, tin tưởng của nhân dân hai nước, là dấu mốc quan trọng tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển của hai Đảng, hai nước lên tầm cao mới. Thế nhưng, với thủ đoạn đánh tráo khái niệm, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động ra sức xuyên tạc, chống phá. Thông qua các trang mạng, blog, website chúng đăng tải, tán phát hàng trăm bài viết với thông tin xuyên tạc chống phá chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam. Mục đích của chúng là xuyên tạc mối quan hệ truyền thống hai nước, bôi nhọ hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Bên cạnh việc lợi dụng những bất đồng trên biển Đông để đưa ra những luận điệu xuyên tạc quen thuộc như: “Vòng kim cô của Bắc Kinh đang ngày càng siết chặt Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Hãy cẩn trọng với mối quan hệ rất hiếm thấy trên thế giới”, “Thời xưa nước ta chưa bao giờ mời Trung Quốc, mà chỉ đánh đuổi Trung Quốc khi họ có mưu đồ xâm lược; thời nay Trung Quốc tiếp tục có mưu đồ xâm lược, nhưng không những không đánh đuổi mà còn lạy lục rước vào và tự nguyện xin làm nô lệ”, “Nhún nhường từng bước là mất nước từng phần; thỏa hiệp từng lần là bán thân cho giặc”… Lần này xuất hiện thêm những thông tin, luận điệu xuyên tạc khái niệm mới “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện không ít bài viết, bình luận trái chiều về vấn đề này, đại loại như: “Chủ quyền biển đảo không ổn thỏa thì chia sẻ tương lai ra sao?”, “Vận mệnh của Việt Nam là do dân tộc Việt Nam nắm giữ, chứ chẳng có chung chạ gì với Trung Quốc”, “chế độ ông Tập có nhiều tham vọng nhưng lại gặp bế tắc, bây giờ phải tìm sang đàn em Hà Nội đồng hành”…



Trong những năm gần đây, bất cứ sự kiện nào liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc đều bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, chống phá, nhất là sự kiện lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước hay Chính phủ hai nước thăm hữu nghị lẫn nhau. Có thể kể đến chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2022; chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 6-2023 và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Trung Quốc tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba vào tháng 10-2023. Do đó, sự kiện chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không phải ngoại lệ.

Có thể thấy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam lần thứ ba trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, điều đó chứng tỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục coi trọng quan hệ với Việt Nam. Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18-1-1950, trong chặng đường hơn 73 năm qua, dù trải qua không ít thăng trầm nhưng tình hữu nghị hợp tác vẫn là dòng chảy chính, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Theo thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, thì xuất nhập khẩu đi thị trường Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan. Trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt hơn 155 tỷ USD.

Đối với những bất đồng trên biển Đông, trong Tuyên bố chung, lãnh đạo hai nước đã khẳng định: “Hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tăng cường cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc và các nhóm công tác trực thuộc; tích cực tìm kiếm các biện pháp giải quyết cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)”, “tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả “Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được “Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông” (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Thực hiện cơ chế Cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) và Cuộc họp nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về triển khai “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông”; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển”.

Còn nội hàm của “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc”, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: Tên văn bản đầy đủ là “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Theo đó, hai bên nhất trí cho rằng, phát triển quan hệ hai nước cần tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình. Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến, phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới.

Kết quả sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam với việc ký kết Tuyên bố chung và 36 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực đã phản ánh một cách chân thực, sinh động về tầm vóc, cũng như mức độ gắn kết quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Đó là những minh chứng sinh động bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực đối với mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.

Lê Đô (BPO)

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM