Không thể xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội
Đúng vào dịp cả nước tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023) và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2023), các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tăng cường đăng các tin, bài xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội. Mới đây nhất, trên trang Thoibao.de có đăng tải bài viết “Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Việt Nam Cộng hòa”, của Nguyễn Đức Hạo Nhiên, y ngỏ ý “khuyên” xây dựng quân đội Việt Nam “trung lập về chính trị” không nên lệ thuộc Đảng Cộng sản… Có thể thấy, mục đích của y là từng bước làm cho quân đội xa rời phương hướng chính trị, mục tiêu chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, mất sức chiến đấu, không còn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước. Do vậy, cần đề cao cảnh giác, nhận diện và đấu tranh kịp thời.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, từ khi xuất hiện nhà nước, bất kỳ giai cấp, đảng phái nào khi nắm quyền lãnh đạo đất nước cũng đều tổ chức ra quân đội để bảo vệ quyền lợi chính trị, kinh tế của mình và sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia. Bởi thế, quân đội là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp, mang bản chất giai cấp sâu sắc, không có quân đội phi giai cấp, siêu giai cấp, trung lập, đứng ngoài chính trị. Trong xã hội hiện đại, mỗi quốc gia đều có một hay đa đảng lãnh đạo và quân đội của quốc gia đó luôn gắn và phục tùng sự lãnh đạo của đảng chính trị cầm quyền. Những gì đã trải qua trên thế giới cho thấy, quân đội của bất kỳ nước nào, trong quá trình xuất hiện và trưởng thành cũng luôn là một lực lượng chính trị quan trọng được nhà nước, giai cấp cầm quyền quan tâm lãnh đạo, xây dựng. Theo đó, cả về chính trị, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, về tư tưởng hay về đường lối, nguyên tắc tổ chức xây dựng quân đội cũng đều do giai cấp, nhà nước sinh ra nó quyết định.
Thực tế bài học về sự buông lỏng, coi nhẹ sự lãnh đạo của đảng cầm quyền đối với quân đội đều phải trả giá đối với sự tồn vong của chế độ, đất nước. Ví dụ như ở Liên Xô những năm 80 của thế kỷ XX, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản do mắc bẫy chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nên đã rời bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị theo học thuyết Mác – Lênin, xóa bỏ cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội và xóa bỏ hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp, dẫn đến phân rã về tư tưởng, tổ chức, mất phương hướng chính trị, mục tiêu chiến đấu, khiến Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã. Và gần đây là những sự kiện bất ổn chính trị – xã hội liên miên, kéo dài làm suy yếu đất nước đang diễn ra ở một số nước châu Á, châu Âu và hàng loạt nước theo thể chế đa nguyên, đa đảng ở Trung Đông, Bắc Phi.
Tiếp thu học thuyết Mác – Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới, thực tiễn xây dựng, lãnh đạo quân đội của các nước trên thế giới, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện Quân đội thông qua thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội luôn mang bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc; lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta là vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Cần phải khẳng định thêm rằng, chỉ khi đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, Quân đội ta mới có đường hướng phát triển đúng đắn, thực sự là đội quân có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc, nhân dân và luôn có ý chí quyết tâm, sức mạnh chiến đấu cao trước mọi kẻ thù xâm lược. Đảng thực hiện sự lãnh đạo Quân đội thông qua hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và các tổ chức quần chúng ở đơn vị cơ sở. Nhà nước thống nhất quản lý quân đội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các tổ chức đảng trong Quân đội hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội ta đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thực tiễn lịch sử gần 80 năm, xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là điều không thể xuyên tạc, phủ nhận; mọi luận điệu cho rằng xây dựng quân đội Việt Nam “trung lập về chính trị” không nên lệ thuộc Đảng Cộng sản của Nguyễn Đức Hạo Nhiên và đồng bọn của y là bịa đặt, phản khoa học, cần đấu tranh bác bỏ./.
Nhận xét
Đăng nhận xét