Lại trò xuyên tạc chính sách ngoại giao của Việt Nam!

  Từ ngày 12 đến 13-12-2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam. Chuyến thăm đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về quan hệ 2 nước cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác. Và như những sự kiện chính trị quan trọng khác, đây lại là cái cớ để các đối tượng chống phá đẩy mạnh hoạt động xuyên tạc chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.

Ngay trước khi sự kiện diễn ra, ngày 11-12-2023, trang tin của tổ chức khủng bố Việt Tân đăng bài viết có tựa đề: “Việt Nam trong “mối tình tay ba” Việt – Mỹ – Trung” của Tùng Phong – được trang Việt Tân giới thiệu là “một nhà báo độc lập đang sinh sống tại Việt Nam”. Chưa cần đọc nội dung, chỉ cái tít đã thấy rõ chủ ý của tác giả Tùng Phong cùng Việt Tân định khoét sâu vào vấn đề gì. Ngay đầu bài, tác giả Tùng Phong đã viết: “Chuyến tuần thú phương Nam của “Hoàng đế Đỏ” Tập Cận Bình vào tuần sau sẽ cho biết nhiều hơn về sự lựa chọn của Hà Nội. Nhưng chắc chắn điều đó không xuất phát từ giải pháp chính trị cho Việt Nam, mà là từ lợi ích của đảng và các nhóm lợi ích mà thôi”.



Tỏ ra sành sỏi về các vấn đề ngoại giao liên quan đến Việt Nam, bài viết của Tùng Phong khá dài và đưa ra các tít phụ kêu như chuông: Việt Nam trước ngã ba lịch sử; Rủi ro và thách thức lớn nhất của Việt Nam; Thế đối trọng “chiến lược, toàn diện” hay “mối tình tay ba” Việt – Mỹ – Trung? Và trong mỗi nội dung, tác giả đi sâu để “bình loạn”. Đọc kỹ những nội dung trong bài viết chỉ thấy tác giả kể lại chắp vá các sự kiện lịch sử đã diễn ra như: bức tường Berlin sụp đổ, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ hay sự kiện Thiên An Môn… Và trong mỗi sự kiện, bài viết đều gán ghép một cách thiếu thiện chí, hằn học về chính sách ngoại giao của Việt Nam. Có thể dẫn ra rất nhiều dẫn chứng như: “Những nhà lãnh đạo Việt Nam một lần nữa phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn bao giờ hết, đã bảo toàn được chế độ độc đảng của mình tới hôm nay trong khi dần hội nhập với thế giới Tây Phương, làm quen với các định chế quốc tế, giao thương làm ăn với những quốc gia “tư bản, đế quốc” từng là kẻ thù không đội trời chung để xây dựng nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Rồi “Thực khó nói về mối quan hệ tay ba Việt – Mỹ – Trung sẽ tiến triển ra sao khi “nàng Kiều Việt Nam” cùng lúc hẹn hò với cả chàng cowboy Mỹ giàu có trong khi vẫn mắc kẹt với mối quan hệ nhiều oan trái với ông chồng Trung Quốc thâm hiểm và tham lam”…

Cùng giọng điệu với Tùng Phong trên trang Việt Tân, ngày 19-10-2023, trang Sài Gòn nhỏ – một trang tin chống cộng đăng bài: “Ngoại giao cây tre là đây sao?” của tác giả Kim Ngữ. Bài viết đăng hình ảnh Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đang bắt tay Tổng thống Nga Putin, kèm theo câu ngạn ngữ tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt là “Hãy chỉ cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói anh thuộc hạng người nào”. Câu ngạn ngữ này có lẽ nên áp dụng ngay với tác giả Kim Ngữ và Tùng Phong. Rằng chỉ cần thấy các tác giả này hợp tác với kênh truyền thông nào là đủ biết thái độ chính trị của họ rồi! Cũng như Tùng Phong với cái nhìn hằn học về chính sách ngoại giao của Việt Nam, tác giả Kim Ngữ thể hiện thái độ bài xích, xỏ xiên: Mọi thể chế đều có phe cánh riêng và mỗi một quốc gia tùy chọn bạn bè, phe phái theo thể chế của mình theo đuổi… Chọn lựa của dân chủ là lợi ích của người dân, chọn lựa của loại thứ hai là lợi ích của một người hay nhóm người mà trong đó chia chác nhau quyền lợi để cai trị… Việt Nam nằm trong nhóm thứ hai nhưng lại luôn tuyên bố mình thuộc nhóm thứ nhất, tức là kết bạn với toàn bộ các nước tự do dân chủ nhưng lại hành xử như độc tài toàn trị và chuyên chế. Chính sách ngoại giao ấy được đặt cho cái tên rất thú vị “Ngoại giao cây tre” – một nền ngoại giao gió chiều nào che chiều ấy!

Cần khẳng định: Việt Nam đã rất thành công khi thực hiện chính sách “ngoại giao cây tre”. Dù những kẻ cơ hội chính trị cùng thế lực thù địch có xuyên tạc thế nào, thì việc một đất nước nhỏ bé, đứng chân ở một vị trí chiến lược của cả một khu vực rộng lớn, nhiều lần bị ngoại bang xâm chiếm mà vẫn giữ được độc lập, tự cường cho dân tộc, giữ được tự do, hạnh phúc cho nhân dân, được cộng đồng thế giới ngưỡng mộ, tin yêu đã nói lên tất cả. Việc Đảng, Nhà nước ta lấy hình tượng cây tre – loài cây gắn bó với cộng đồng dân tộc Việt Nam, mang trong mình cốt cách riêng của nền văn hóa, con người Việt Nam: kiên cường mà mềm dẻo, bản lĩnh mà linh hoạt, sáng tạo để tượng trưng cho chính sách ngoại giao là thể hiện gốc cội của một nền ngoại giao của dân, vì dân. Trong các hoạt động đối ngoại, Việt Nam luôn tìm cách cân bằng và hài hòa lợi ích quốc gia – dân tộc với lợi ích của đối tác, vì chúng ta hiểu rõ một nước tầm trung và phát triển sau nhiều nước, nếu chỉ “ngắm” lợi ích của mình thì không “chơi với ai” được! Và rõ ràng, trước một thế giới cạnh tranh chiến lược gay gắt của các nước lớn trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam vẫn luôn kiên định tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, vì chính nghĩa. Từ chỗ chỉ có quan hệ với 30 nước (năm 1986), đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước và vùng lãnh thổ; nâng quan hệ lên đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước lớn khác. Năm 2023, những chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của người đứng đầu các nước lớn như Tổng thống Mỹ Joe Biden hay Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam đã chứng minh rằng, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã củng cố được hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.  

Những luận điệu xuyên tạc chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam hay của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó, cũng như việc xuyên tạc chính sách ngoại giao của Việt Nam là những hoạt động chống phá nền ngoại giao, chống phá đất nước và nhân dân Việt Nam, cần lên án, xử lý nghiêm minh!.

Thảo Linh (BPO)

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM