XÂY DỰNG VÀ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI
Nghị quyết số 45-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới (Nghị quyết 45) nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Nhận thức rõ vị trí, vai trò và thực trạng đội ngũ trí thức Việt Nam từ đó có hệ giải pháp đồng bộ, toàn diện để xây dựng, phát huy hơn nữa vai trò của trí thức trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là vấn đề cần thiết. Đây cũng hoạt động cụ thể nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết 45-NQ/TW đi vào cuộc sống.
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người cho rằng: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chung vai sát cánh với bộ đội, nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài”. Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay đều luôn nhấn mạnh quan điểm nhất quán là lấy “liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nòng cốt” của cách mạng. Điều này được thể hiện trong Chính cương, Điều lệ Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nhiều văn kiện quan trọng khác của Đảng.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng;… Một bộ phận trí thức có năng lực, trình độ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, đội ngũ trí thức Việt Nam còn thiếu về số lượng so với yêu cầu phát triển của đất nước, chất lượng chưa cao, phương pháp tư duy sáng tạo, năng lực tổ chức điều hành công việc, trình độ ngoại ngữ, khả năng giao lưu, hợp tác, làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Để thực hiện tốt mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng phát huy vai trò của đội ngũ trí thức theo tinh thần Nghị quyết 45 cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức. Hiện nay, đội ngũ trí thức là lực lượng đặc biệt quan trọng trong xã hội, là lực lượng nòng cốt đi đầu trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ số, nhanh chóng đưa Việt Nam bắt kịp với tốc độ phát triển của thế giới. Vai trò, vị thế của trí thức – theo đó cần phải được nhận thức đúng đắn, đầy đủ; được thể hiện trong hành động cụ thể của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã hội. Tinh thần “giáo dục là quốc sách hàng đầu” phải được thể hiện bằng những chính sách, biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát huy trí tuệ và sức mạnh toàn dân trong chăm lo xây dựng, bồi dưỡng trí thức – bồi dưỡng, củng cố “nguyên khí quốc gia”.
Thứ hai, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đây là một chiến lược chuyên biệt, bao gồm các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đột phá nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam. Việc xây dựng và thực Chiến lược không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan. Mà đây còn là trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chỉ có đoàn kết, thống nhất được “ý Đảng” với “lòng dân” mới bảo đảm cho Chiến lược được thực hiện một cách khả thi.
Thứ ba, tạo bước đột phá về chính sách thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức. Hiện nay, trong điều kiện đất nước có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, việc chưa huy động, tập hợp được đông đảo trí thức ra sức đóng góp công sức cho sự nghiệp phát triển của đất nước, có nguyên nhân chính từ sự thiếu toàn diện trong hệ thống chính sách. Việc sửa đổi chính sách đối với trí thức cần thực hiện ngay, nhưng phải bảo đảm sự ổn định, lâu dài, nhằm tạo cơ sở cho sự phát triển liên tục của đội ngũ trí thức, tránh sự hụt hẫng nguồn, hoặc mất cân đối trong phát triển đội ngũ trí thức.
Thứ tư, xây dựng các hội trí thức vững mạnh, thể hiện rõ vai trò trong việc tập hợp, đoàn kết phát huy tối đa năng lực chuyên môn của đội ngũ trí thức. Cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức từ Trung ương đến địa phương, nhất là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam theo hướng sát thực tiễn, động viên, phát huy tối đa vai trò, tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức. Chú trọng nâng cao vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đội ngũ trí thức; thu hút, tập hợp, đoàn kết trí thức, phát triển tổ chức, phát triển hội viên; làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị với đội ngũ trí thức.
Thứ năm, coi trọng việc thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài có số lượng tương đối lớn, phân bổ ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Nhiều nhà khoa học người Việt có những phát minh, sáng chế mang tầm cỡ quốc tế, có uy tín trong giới khoa học thế giới. Việc thu hút, trọng dụng, tôn vinh lực lượng này là cần thiết, vừa thể hiện rõ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, vừa tranh thủ được nguồn trí thức chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Hoạt động này cần hành động cụ thể từ phía Chính phủ, các cơ quan chức năng của Nhà nước, các hiệp hội khoa học, hội người Việt Nam ở nước ngoài, với những biện pháp căn cơ, hiệu quả.
Tóm lại, Nghị quyết 45 của Trung ương ra đời trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, góp phần định hướng kịp thời cho việc giải quyết vấn đề xây dựng và phát huy vai trò của trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Việc quán triệt và triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đã xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn xã hội và của chính những người trí thức. Đó cũng là một trong những điều kiện bảo đảm cho sự thành công của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức và mở rộng hội nhập quốc tế của đất nước ta trong thời kỳ mới./.
Nhận xét
Đăng nhận xét