Bộ Ngoại giao Mỹ cần có đánh giá khách quan và phù hợp bối cảnh mới

 Ngày 4/1/2024, Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken công bố báo cáo thường niên về cái gọi là “Chỉ định quốc gia thực hiện hoặc dung túng cho những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo năm 2023”.

Báo cáo này tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách giám sát đặc biệt về tự do tôn giáo, trong đó cáo buộc Việt Nam “vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo”. Cùng với đó, Ủy hội tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) tiếp tục ra thông cáo vu cáo tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.

“Té nước theo mưa”, các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong triệt để lợi dụng để thổi phồng vấn đề, rêu rao đây là thành quả của việc cung cấp thông tin tới Bộ Ngoại giao Mỹ. Tổ chức Ủy ban cứu người vượt biển (BPSOS) tung hô rằng, đây là một phần của kết quả đấu tranh, vận động quốc tế của BPSOS thời gian qua, riêng năm 2023, BPSOS đã thường xuyên tiếp xúc đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ Rashad Hussain, cung cấp cho USCIRF và Bộ Ngoại giao Mỹ hơn 70 báo cáo về “các vi phạm tự do  tôn giáo tại Việt Nam”.

Cùng với đó, BPSOS tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn các đối tượng chống đối trong nước cách thức xây dựng “hồ sơ vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam” để gửi cho USCIRF. Mới đây, BPSOS còn tuyên bố thành lập các nhóm nghiên cứu nhằm kêu gọi các tổ chức quốc tế, các cá nhân trong và ngoài nước “cung cấp thông tin, tài liệu về hoạt động đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập”.

dai-le-phat-dan.jpg -0
Quang cảnh một đại lễ Phật đản ở Việt Nam.

Tổ chức này coi đây là cách thu thập thông tin “cần thiết” để làm bằng chứng xây dựng báo cáo gửi các cơ quan như Bộ Ngoại giao Mỹ, USCIRF, thúc ép các cơ quan này đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo.

Một số đối tượng chống đối khác cũng được dịp “lên mặt”, đưa ra những lời lẽ vu cáo, bôi nhọ trên các trang mạng xã hội. Đối tượng Y Quynh Bdap (kẻ cầm đầu  tổ chức “Người Thượng vì công lý”) rêu rao rằng, Việt Nam bị liệt vào danh sách trên vì “đã sách nhiễu, đàn áp các hội thánh độc lập, cưỡng ép người Thượng, người Mông bỏ đạo…”. Những trung tâm thông tin chống phá như VOA, RFA, RFI… đưa ra các bài viết dưới dạng “phân tích, bình luận, tọa đàm”, mục đích lấy cớ thổi phồng sự việc, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Một số bài viết xuyên tạc rằng, dù Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc song quyền con người tại Việt Nam, trong đó có quyền tự do tôn giáo vẫn bị chà đạp một cách tồi tệ, có hệ thống. Họ còn lấy cớ phỏng vấn một số đối tượng chống đối bất mãn để minh họa cho bài viết.

Chúng tôi thấy rằng, việc Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách  giám sát đặc biệt về tự do tôn giáo với cáo buộc vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo là sai lệch, vừa không phản ánh đúng thực tiễn, vừa tạo điều kiện để các thế lực xấu lấy cớ chống phá Việt Nam. Đặc biệt, báo cáo được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Việt – Mỹ được tăng cường, nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Cụ thể, trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam ngày 10-11/9/2023 của Tổng thống Joe Biden, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên đã ra Tuyên bố chung, trong đó nêu rõ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế. Hai nước nhất trí tiếp tục ủng hộ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua các cơ chế đối thoại thẳng thắn, xây dựng như đối thoại nhân quyền, đối thoại lao động Việt Nam - Hoa Kỳ hàng năm, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu khác biệt. Việt Nam và Hoa Kỳ ghi nhận quyền con người, ổn định khu vực, hòa bình thế giới và phát triển bền vững có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau. Hai bên cũng ghi nhận những đóng góp mà các tổ chức xã hội và tôn giáo tiếp tục mang lại trong các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc y tế và dịch vụ xã hội ở cả hai nước.

Tuyên bố chung nêu rõ như vậy, nay một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ lại dựa trên các dữ liệu thiếu cơ sở, không khách quan để đưa ra đánh giá phiến diện vừa gây dư luận quốc tế hiểu nhầm, bất lợi đối với Việt Nam cũng như ảnh hưởng chung trong quan hệ giữa hai nước. Về vấn đề này, chiều 11/1, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật của Việt Nam, cũng như việc bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.

Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, trong đó có bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đều được cộng đồng quốc tế thừa nhận trong thời gian qua. “Việt Nam lấy làm tiếc và yêu cầu Hoa Kỳ không đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo và cần có những đánh giá khách quan dựa trên thông tin chính xác, toàn diện về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” – Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ.

Cần thấy rằng, đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ dựa trên những báo cáo, tài liệu do USCIRF cung cấp. USCIRF là cơ quan tham vấn độc lập do Quốc hội Mỹ thành lập nhằm phục vụ cho việc “cải thiện nhân quyền” ở các nước mà Mỹ cho là “cần quan tâm đặc biệt”. Trong khi đó, USCIRF thường xuyên có những đánh giá tiêu cực về Việt Nam, thậm chí kể cả khi đã được tạo điều kiện vào Việt Nam để chứng kiến tình hình thực tế thì những định kiến của họ vẫn theo nếp cũ. Từ năm 2012 đến nay, USCIRF liên tục khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt - CPC” nhằm tạo cơ sở áp đặt chế tài với Việt Nam về kinh tế, chính trị, giáo dục.

Trong các báo cáo hằng năm về tự do tôn giáo tại Việt Nam, USCIRF cho rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo trong nước”; chỉ trích chính quyền và Công an Việt Nam; quan tâm đến số đối tượng vi phạm pháp luật bị xét xử được họ gọi là “tù nhân lương tâm”.

Đáng chú ý, thông tin USCIRF sử dụng trong báo cáo chủ yếu từ những nguồn thiếu kiểm chứng, được thu thập từ các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng cực đoan, thù hận móc nối với số chống đối trong nước nên luôn thiếu khách quan, nhiều nội dung thể hiện rõ việc xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ngay cả việc tiếp cận cá nhân trong nước thì họ cũng thể hiện sự phiến diện có chủ ý khi chỉ nhắm vào lời lẽ từ những cá nhân lợi dụng tự do tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Có nhiều cách tiếp cận về tôn giáo. Với góc độ là một tổ chức xã hội, ở Việt Nam có thể phân chia làm hai loại: các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được và chưa được Nhà nước công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; tổ chức giả danh, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Trên cơ sở đó, Đảng, Nhà nước ta có quan điểm, chính sách, pháp luật cụ thể. Với các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cả việc đạo và việc đời.

Theo số liệu từ Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự.

Với các tôn giáo, tổ chức tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, chính quyền các cấp đã hướng dẫn họ hoạt động theo quy định của pháp luật, địa phương, hỗ trợ về mọi mặt, nhất là mặt pháp lý để sớm được xét, công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Đồng thời, chúng ta có các quy định nhằm chấn chỉnh, xử lý khi họ có những sai phạm, vi phạm quy định của pháp luật. Đây cũng là điều mà các thế lực thù địch, phản động vu cáo Đảng, Nhà nước “kiểm soát”, “sách nhiễu” các tôn giáo.

Với các tổ chức đội lốt, giả danh tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân thì phải kiên quyết đấu tranh, xử lý. Những tổ chức này thường có các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, cấu kết chặt chẽ với các thế lực phản động ở nước ngoài để tán phát các tài liệu phản động; lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, lôi kéo lực lượng chống đối, gây phức tạp an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, gây nhiều hệ lụy trong thời gian qua. Bởi vậy, việc cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng tôn giáo để phá hoại, gây rối của những trường hợp này là hiển nhiên.

Ở Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, công dân phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo là công dân Việt Nam nếu có những hành động cản trở công cuộc đổi mới, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đất nước đều phải bị ngăn chặn, xử lý. Không thể dùng lý do tôn giáo để biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật. Đây là nguyên tắc trong một Nhà nước pháp quyền, đồng thời là cơ sở khẳng định thái độ rõ ràng, dứt khoát của chúng ta trong đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái ác trong xã hội, tạo môi trường sinh hoạt tôn giáo bình thường, lành mạnh, đồng thời cũng là bài học cảnh tỉnh cho những đối tượng muốn lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá đất nước.

Một báo cáo đánh giá về tình hình, tự do tôn giáo ở nước khác mà lại lấy dẫn chứng từ những cá nhân, tổ chức lợi dụng tôn giáo để chống phá nước đó thì báo cáo đó là không bình thường, cần phải được thể hiện đúng cơ sở và ý nghĩa của nó.

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM