“Văn hóa từ chức”
“Văn hóa từ chức” là một bộ phận của văn hóa chính trị, khi những người cán bộ lãnh đạo nhận thấy bản thân không còn xứng đáng đảm nhận chức vụ và trách nhiệm được giao phó. Đây là một quyết định cá nhân, có thể được đưa ra vì nhiều lý do khác nhau, vì vậy “văn hóa từ chức” thường được xem là một biểu hiện của sự trung thực và trách nhiệm.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, việc từ bỏ chức vụ đang đảm nhiệm khi không còn đủ uy tín trước Đảng, trước nhân dân là chuyện rất bình thường, nhưng đây lại là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị chống phá. Trên các trang facebook của Việt Tân, RFA, Tiếng Dân News… đăng phát hàng loạt bài viết phân tích, mổ xẻ về sự việc này. Nội dung của những bài viết này là vô số thông tin bịa đặt, võ đoán, từ đó vu cáo, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là công cụ được các thế lực thù địch tạo ra một cách có hệ thống để đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Mưu đồ của chúng là xuyên tạc sự thật, hạ thấp uy tín, bôi nhọ lãnh tụ, các nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Từ đó chúng âm mưu phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; mổ xẻ, xuyên tạc một số hạn chế, khuyết điểm nảy sinh trong quá trình lãnh đạo của Đảng; gieo rắc tư tưởng hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) của Việt Nam.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua muôn vàn gian nan, thử thách trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành độc lập, xây dựng CNXH. Một trong những yếu tố khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là một Đảng vững mạnh, duy nhất lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đó là bản lĩnh chính trị của Đảng. Đồng thời là bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn kiên định lý tưởng cách mạng, không dao động trước mọi tình huống khó khăn, phức tạp, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của Đảng, của nhân dân và sẵn sàng nhận khuyết điểm khi sai phạm với trách nhiệm của người đứng đầu. Do đó, các thế lực phản động luôn tìm cách gieo rắc tư tưởng hoài nghi, phản động, bôi nhọ uy tín của Đảng nhằm làm suy giảm uy tín, hệ miễn dịch và sức đề kháng của Đảng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, phá hoại bản lĩnh chính trị của Đảng.
Bản lĩnh chính trị của Đảng trước hết là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Thứ hai, là kiên định nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ ba là kiên định đường lối đổi mới, nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Bản lĩnh chính trị của đảng được thể hiện rõ nhất thông qua đường lối trong Cương lĩnh chính trị. Các bản Cương lĩnh chính trị qua từng thời kỳ, giai đoạn đều thể hiện sự nhất quán mục tiêu về độc lập dân tộc, CNXH. Đặc biệt, trong giai đoạn hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng ta vẫn tiếp tục kiên định con đường đi lên CNXH mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách. Bản lĩnh chính trị của Đảng còn thể hiện ở việc dám dũng cảm đối mặt với sai lầm và sửa sai. Điển hình trong giai đoạn từ năm 1953-1957, Đảng đã nhận thức và sửa chữa sai lầm khi thực hiện cải cách ruộng đất. Bản lĩnh chính trị còn thể hiện ở việc dám đổi mới và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước nhân dân, vận mệnh dân tộc về quyết định của mình trong tiến hành đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI năm 1986. Bản lĩnh chính trị của Đảng còn thể hiện rõ nét ở việc “tự soi, tự sửa” trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Kỷ luật Đảng là tự giác và nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, dù ở cương vị, chức trách nào đều phải làm gương, nêu gương. Do đó, việc Ban Chấp hành Trung ương xem xét, đồng ý nguyện vọng thôi giữ các chức vụ trong Đảng, Nhà nước đối với một số trường hợp thời gian vừa qua là hành động cho thấy quyết tâm lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; loại trừ những nguy cơ làm tổn hại đến uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Qua sự việc này cũng thể hiện tính tự trọng, tinh thần trách nhiệm vì tập thể của người cán bộ, đảng viên khi nhận ra khuyết điểm của mình.
Như vậy, bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng được thể hiện trong suốt hơn 94 năm lãnh đạo và đấu tranh cách mạng. Đặc biệt, trước mỗi bước ngoặt lịch sử của cách mạng thì tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng thể hiện hoàn toàn đối lập và trái ngược với chủ nghĩa dân tộc, cực đoan, giáo điều, cơ hội, xét lại. Có thể nói bản lĩnh chính trị của Đảng là tập hợp nhiều yếu tố cấu thành. Trong đó có bản lĩnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của tổ chức và bản lĩnh người cán bộ lãnh đạo với lòng tự trọng thực hiện “văn hóa từ chức”.
Nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay vẫn tiếp tục được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Trong tình hình hiện nay, để nâng cao sức đề kháng, miễn dịch với những thông tin xấu, độc, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần bình tĩnh ứng xử, xem xét thận trọng, tránh bị mắc lừa, rơi vào bẫy để rồi tiếp tay cho các thủ đoạn chống phá. Bởi mảnh đất màu mỡ của các thông tin xấu, độc chính là dư luận. Vì vậy, khi chưa có sự kiểm chứng, không nên tiếp tay cho thông tin xấu, độc bằng cách chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội.
Tiên Chế (BPO)
Nhận xét
Đăng nhận xét