CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG SUY DIỄN SAI TRÁI, CHỐNG PHÁ VIỆT NAM
Lợi dụng việc Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam họp ngày 21/3/2024, bỏ phiếu kín và thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Võ Văn Thưởng thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, trên một số trang mạng xã hội có nhiều bài viết suy diễn sai trái, xuyên tạc về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó phải kể đến bài viết của Chánh Thành với tiêu đề: “6 năm 8 đời chủ tịch nước: một đảng nhưng nhiều phái” đăng trên trang “Vietnamthoibao”. Y cho rằng: “Nhà nước Cộng sản Việt Nam trước đây vẫn được tuyên truyền là ổn định với thể chế đơn nguyên, không tranh cử. Thế nhưng 8 lần đổi ngôi này đã thể hiện sự mất đoàn kết và tan rã của hệ thống độc tài, Đảng cộng sản hiện nay tuy là một đảng nhưng nhiều phái”. Đây rõ ràng là một suy diễn hết sức phản động, không có cơ sở lý luận và thực tiễn, xuyên tạc trắng trợn tình hình nội bộ Việt Nam, nhằm gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội.
Thứ nhất, việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, đảng viên thực hiện đúng quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Có thể khẳng định thể chế chính trị Việt Nam là thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất, không thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình và yêu cầu nhân dân, báo chí giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên.
Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo, Nhà nước quản lý và tổ chức thực hiện, nhân dân làm chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động dựa trên nhiều nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nêu gương của cán bộ, đảng viên, kỷ luật nghiêm minh và tự giác. Những nội dung này được Đảng và Nhà nước quy định cụ thể trong Điều Lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và được cụ thể hóa trong hệ thống pháp luật, các quy định rất chặt chẽ, có đầy đủ căn cứ pháp lý đối với việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Nhất là, trong Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Trong đó, quy định rõ các căn cứ, quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức và bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức. Mục tiêu của việc miễn nhiệm cán bộ vừa đáp ứng nguyện vọng của cá nhân, vừa góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, sử dụng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng dù đảm nhiệm chức vụ cao hay thấp thì việc miễn nhiệm, từ chức đều được thực hiện theo đúng Điều Lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; việc miễn nhiệm, từ chức là không thể do một tổ chức hay một cá nhân, tổ chức nào có thể can thiệp, ép buộc được và càng không thể suy diễn, vu khống như lời Chánh Thành là do mất đoàn kết nội bộ, hay trong Đảng có “nhiều phái”.
Thứ hai, thực tế công tác lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác cán bộ thời gian qua đã chứng minh: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Mục tiêu của Đảng là xây dựng một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Do đó, từ khi ra đời đến nay, Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên coi trọng, chăm lo đến cán bộ và công tác cán bộ, coi công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, qua hơn 94 năm, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định về công tác cán bộ; thực hiện tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng; luôn coi trọng, đổi mới việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, nhận xét, đánh giá, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ, gắn chặt với rèn luyện, thử thách cán bộ qua từng chức trách, nhiệm vụ được giao và thực hiện chặt chẽ ở các cấp. Đặc biệt, Đảng ta thường xuyên đổi mới, nâng cao cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, tham ô, tham nhũng trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng; về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới,… từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Vì vậy, trước những luận điệu suy diễn, xuyên tạc và chống phá của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nêu cao cảnh giác, đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ./.
Nhận xét
Đăng nhận xét