Rũ bỏ ảo vọng, trở về sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật

 Một số người dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin đã nghe theo lời lừa phỉnh, xúi giục của bọn phản động FULRO lưu vong, tham gia sinh hoạt cái gọi là "Tin lành Degar".

Được cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an tỉnh Gia Lai, hệ thống chính trị cơ sở khuyên giải, thức tỉnh, những người lầm lỡ đã nhận thức được bản chất của bọn phản động FULRO, thấy được việc làm sai trái, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, quay trở về sinh hoạt tôn giáo chính thống được pháp luật công nhận, được chính quyền tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống và lao động chân chính ngay trên mảnh đất quê hương.

Người uy tín đặc biệt

Nghe lời FULRO lưu vong về giấc mộng hão huyền thành lập "Nhà nước Degar tự trị", anh Kpă Bih (47 tuổi, trú làng Pang, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) tỉnh Gia Lai từng thi hành án phạt tù 14 năm về tội phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. Anh hối tiếc khi nhớ lại quá khứ lầm lỗi của mình: "Suốt thời gian ở tù và ngay cả khi trở về, bọn chúng chưa một lần hỏi thăm tôi. Sau hơn chục năm trời, tôi không có gì trong tay, vợ và các con phải tự bươn chải kiếm sống".

tro ve 1.jpg -0
Anh Kpă Bih trò chuyện với anh Siu Bat và tổ công tác của chính quyền địa phương về cuộc sống bình yên khi quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy.

Trở về, được sự quan tâm, hỗ trợ của lực lượng Công an và chính quyền, anh Bih đã đoạn tuyệt với FULRO, "Tin lành Degar", trở thành người có uy tín trong thôn làng, đồng hành cùng lực lượng Công an vận động những người lầm lỡ quay về sinh hoạt tôn giáo chân chính được Nhà nước công nhận. Anh còn được dân làng tin tưởng, trở thành Chấp sự trưởng của một điểm nhóm sinh hoạt Tin lành miền Nam Việt Nam với sự tham gia của hơn 200 tín đồ.

"Những người chưa về chắc chắn sẽ quay về thôi, vì đó là con đường đúng đắn. Tôi được chính quyền địa phương, Công an quan tâm động viên, khi khó khăn đều được giúp đỡ. Vừa rồi tôi được đưa lên là người uy tín, được nhận giấy khen của huyện, bằng khen của tỉnh. Tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều" - Anh Kpă Bih chia sẻ.

Tương tự, anh Siu Bat (44 tuổi, ở cùng làng với anh Kpă Bih) trước đây từng theo "Tin lành Degar", được anh Bih và lực lượng Công an tuyên truyền, anh đã từ bỏ "Tin lành Degar", trở về sinh hoạt Tin lành miền Nam Việt Nam tại điểm nhóm do anh Kpa Bih làm Chấp sự trưởng.

"Hiện tại, tôi rất vui mừng vì tìm lại được bình yên trong tâm trí. Giờ tôi đã bỏ "Tin lành Degar", về với Tin lành miền Nam Việt Nam. Hôm nay, chúng tôi cùng làm việc để gây quỹ cho một số hoạt động của điểm nhóm" - anh Siu Bat tâm sự.

Luôn quan tâm hỗ trợ những người lầm lỡ   

Đến nay, huyện Đak Đoa đã vận động được hơn 50 trường hợp theo "Tin lành Degar" quay về sinh hoạt tôn giáo được pháp luật công nhận, ổn định cuộc sống.

Bà Trương Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Pết chia sẻ: "Hội Phụ nữ xã đã vận động các chị có chồng, con, em hoặc bản thân trước kia tham gia "Tin lành Degar"; quan tâm đến đời sống, hỗ trợ heo giống để phát triển kinh tế; quan tâm thăm hỏi vào các ngày lễ như Tết Nguyên đán, Giáng sinh. Hội cũng phối hợp với Chi hội Phụ nữ của 2 nhóm Liên hiệp truyền giáo Việt Nam và Tin lành miền Nam Việt Nam của thôn Bia Bre để tác động đến chị em. Từ đó, một số chị em đã quay về".

Gia đình ông Jrơt (thôn Bia Bre, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) trước cũng theo "Tin lành Degar". Có lần ông còn định đưa cả gia đình vượt biên nhưng được chính quyền kịp thời phát hiện, động viên quay trở lại.  Ông Jrơt chia sẻ: "Được Nhà nước giúp đỡ ổn định cuộc sống, chúng tôi vui lắm. Bây giờ già rồi, chỉ nghỉ nghỉ ngơi giữ sức khỏe, khuyên răn con cháu sống và làm việc theo quy định của địa phương, pháp luật".

Công an huyện Đak Đoa đã phối hợp với chính quyền địa phương giới thiệu việc làm cho hơn 28 trường hợp được lao động ở những công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Anh Thưu (22 tuổi, trú làng Bia Bre, xã Ia Pết) được gửi gắm làm công việc kiểm kê sản phẩm thu hoạch tại Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn có trụ sở tại làng, thu nhập tương đối tốt. Thưu trở thành chỗ dựa vững chắc cho mẹ và hai em nhỏ. Anh Binh (cùng làng) cho biết: "Trước đây, tôi có tham gia sinh hoạt "Tin lành Degar". Sau khi cơ quan Công an, chính quyền địa phương thuyết phục vận động, tôi nhận ra tham gia cùng họ không mang lại lợi ích gì cho bản thân mình".

 Lời giải cho bài toán khó

Những câu chuyện kể trên và cuộc sống bình yên, bền vững hiện tại của họ là kết quả của nỗ lực bền bỉ không mỏi của cả hệ thống chính trị tại cơ sở được biết đến với tên gọi mô hình "Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng", bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2022 tại huyện Phú Thiện rồi nhân rộng tại Ia Grai, Chư Sê và Đak Đoa. Lực lượng Công an đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và hệ thống chính trị ở cơ sở triển khai hiệu quả các biện pháp vận động, thuyết phục, cảm hóa, giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng yên tâm lao động, sản xuất, sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, hòa nhập với cộng đồng.

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: "Mô hình "Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng" đã giải quyết tốt 3 vấn đề lớn: phát huy được vai trò của lực lượng cốt cán ở cơ sở trong vận động, giáo dục, tuyên truyền, cảm hóa quần chúng nhân dân trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; giải quyết niềm tin tôn giáo nhu cầu tín ngưỡng của bà con và từng bước làm mất đi các điều kiện mà các thế lực thù địch, bọn phản động FULRO có thể lợi dụng câu móc, lôi kéo hoạt động".

Nhận xét

Bài viết nổi bật

Công an điều tra việc Học bổng Xã hội dân sự VOICE xuất hiện trên Website Đại học Vinh

Thực hư luận điệu “Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”

THỰC TRẠNG “SỢ SAI”, “SỢ TRÁCH NHIỆM”… TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM